Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 46
Hôm qua : 74
Tháng 11 : 369
Tháng trước : 9
Năm 2024 : 378
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHÙA ÂM LINH, ĐIỆN THẮNG NAM

1. Tên di tích: Chùa Âm Linh.

2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa

3. Quyết định: Chùa Âm Linh đã được UBND Tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định Số: 557/QĐ-UB ngày 08/02/2007.

4. Địa chỉ di tích: Phong Lục Tây, Điện Thắng Nam, Điện Bàn.

5. Tóm lược thông tin về di tích:

Chùa Âm Linh  thuộc thôn Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam với diện tích bảo vệ là 5.085m2.

Theo lời kể của những vị cao niên, vào khoản những năm 1897, 1898, dưới thời vua Thành Thái. Ông là vị vua có tinh thần dân tộc, thương dân thường hay vi hành để hiểu được nổi khổ của người dân một nước nô lệ. Vì thế vua đã tổ chức phát chẩn cho những hộ đói khổ tại làng Lục Giáp bấy giờ. Được tin đó bà con già trẻ các làng của Phủ điện Bàn bồng con cõng cháu đến đây nằm chờ lãnh chẩn. Người đi lãnh chẫn quá đông, nhưng lương thực thì quá ít. Phải nằm chờ đến ba bốn ngày mà cũng không có, vừa đói, vừa đau, các ông bà già và trẻ con kiệt sức đã chết mà chẳng có bà con thân thuộc để đốt nén hương an ủi linh hồn nơi chín suối. Cảm thương cho những người dân tội nghiệp ấy nên các chức sắc trong làng đã vận động nhân dân xây dựng tại làng Lục Giáp một ngôi chùa bằng tranh tre và đặt tên là chùa Âm Linh để thờ phụng hương khói.

“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” cho nên chẳng ai dám ra vào chùa cả, chỉ có rằm, mồng một và ngày định kỳ tế lễ hàng năm (25 Tháng Chạp ÂL ) mới có người ra vào sửa soạn cúng tế. Với đặc điểm trên, Chùa Âm linh trở thành nơi hoạt động cách mạng của làng Lục Giáp từ năm 1930-1945.

Năm 1930-1931, để hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và chuẩn bị lực lược cách mạng, dưới sự lãnh đạo của chi bộ ghép. Tháng 10 năm 1930, đồng chí Phan Di và Phan Thanh đã vận động nhân dân tập hợp tại Chùa và công bố thành lập tổ chức Nông hội đỏ của làng Phong Lục. Sau khi thành lập, tổ chức Nông hội đỏ đã chọn chùa Âm Linh làm nơi hoạt động treo cờ, rải truyền đơn, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5 theo chỉ thị của Phủ ủy Điện Bàn. Lá cờ đỏ của cách mạng tung bay trước gió tại Cây Cốc vùng Tây làng Lục Giáp do đồng chí Phan Thanh trực tiếp treo và đồng chí Phan Di làm nhiệm vụ canh giới. Do có địa thế giữa hai làng, Lục Giáp và La Thọ nên chùa Âm Linh trong những năm 1935-1939 đã đón các đồng chí Lê Chưởng - Bí thư xứ ủy Nam Kỳ về hoạt động tại đây.

Chùa Âm Linh, Cây cốc cổ thụ đầu làng và sân vận động vào năm 1936-1945 là nơi các tổ chức biến trướng của cách mạng hoạt động, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết cho quần chúng làng Lục Giáp-La Thọ-Đông Hồ do đồng chí Võ Ái, Nguyễn Quang Biền - cán bộ huyện ủy Điện Bàn diễn thuyết.

Từ năm 1936-1939, hưởng ứng phong trào lấy chữ ký, nhân dịp phái đoàn mặt trận Bình Dân Cộng sản Pháp lãnh đạo cử do ông Gô Đa sang thăm Việt Nam đến Đà Nẵng. Tổ chức Nông hội đỏ đã vận động một số thanh niên làng Lục Giáp do ông Phan Di dẫn đầu cùng với thanh niên làng La Thọ do ông Nguyễn Văn Cự đã tổ chức cuộc họp tại chùa Âm Linh bàn kế hoạch gặp mặt ông Gô Đa để đưa kiến nghị bày tỏ nguyện vọng và biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta (theo Lịch sử Đảng bộ thị xã Điện Bàn).

Qua quá trình tổ chức và hoạt động của Nông hội đỏ làng Lục Giáp, phủ ủy Điện Bàn quyết định thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản tháng 8/1938, gồm các đồng chí Phan Di, Phan Thanh do đồng chí Phan Di làm Bí thư chi bộ.

Tháng 2/1942 chi bộ làng Lục Giáp đã sử dụng chùa Âm Linh làm nơi học tập cho một số nòng cốt của phong trào cách mạng, về nội dung cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Chi bộ Đảng làng Lục Giáp đã hướng dẫn nhân dân đấu tranh không đi làm Trảng Nhật cho chúng.

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1945, tình hình rất khẩn trương, tin tức khởi nghĩa Ba tơ Quảng Ngãi thành công được đông đảo nhân dân hưởng ứng, chi bộ làng Lục Giáp đã có kế hoạch tuyên truyền đường lối chính sách của Mặt trận Việt Minh đến các nhóm cứu quốc và tiến hành thành lập Ủy ban vận động khởi nghĩa làng Lục giáp gồm có:

  1. Đồng chí Phan Di                    Trưởng ban
  2. Đồng chí Nguyễn Kiêm           Phó ủy viên quân sự
  3. Đồng chí Phan Thanh              Ủy viên
  4. Đồng chí Nguyễn Trọng Sâm   Ủy viên giao thông
  5. Đồng chí Đỗ Như Hiếu            Ủy viên tuyên truyền
  6. Đồng chí Phan Huỳnh             Ủy viên thư kí

Sau khi thành lâp Ủy ban vận động khởi nghĩa làng Lục Giáp, tiếp tục tuyên truyền phát triển hội viên cứu quốc, vừa tích cực chuẩn bị và kiểm tra về mọi mặt để đón thời cơ mới.

Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng đồng minh theo chỉ thị của Tỉnh ủy và Phủ ủy Điện Bàn, và các Ủy ban vận động khởi nghĩa, các làng chuẩn bị chờ lệnh.

Đêm 17/8/1945, Tỉnh ủy phát lệnh khởi nghĩa cho các làng Lục Giáp, Ngũ Giáp, La Thọ, Đông Hồ và Phong Nhất, Phong Nhị, Ngọc Tứ, Hạ Liên, Bằng An, Câu Nhí, chuẩn bị lực lượng quần chúng mang băng cờ, khẩu hiệu giáo mác, trống, mỏ vùng lên cướp chính quyền tại Phủ Điện Bàn, làng Lục Giáp có một ngàn người tham gia lực lượng xuống đường.

01h sáng ngày 17/8/1945, Trống mỏ các làng nổi lên liên hồi, khí thế cách mạng bừng lên như trào dâng thác lũ, làm cho bọn tổng lý, hương , hào, chức sắc làng khiếp sợ.

Theo kế hoạch chung, sáng ngày 18/8/1945, đoàn biểu tình các làng, trong đó có làng Lục Giáp theo quốc lộ 1 tiến vào Phủ Điện Bàn, đến cầu Giáp Ba thì gặp đoàn xe Nhật từ Vĩnh Điện chạy ra, khiếp sợ trước  khí thế quần chúng, vừa bị chướng ngại vật cản đường, lại bị một số đồng chí ta dùng giáo mác xông lên xe. Quân Nhật phản  ứng bắn vào đoàn biểu tình làm chết 17 người. Làng Lục Giáp có hai đồng chí hy sinh là Phan Di và Võ Luyện. Trước những bị động xảy ra, các đồng chí lãnh đạo kịp thời ổn định tổ chức và tư tưởng, cứu chữa thương vong, lấy xác các đồng chí hy sinh và tiếp tục hành quân vào Phủ Lỵ Điện Bàn. Lúc 9h sáng tên Phủ bù nhìn Nguyễn Bá Luân đầu hàng, giao ấn tín cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Điện Bàn, tuy có tổn thất thương vong nhưng ta đã thắng lợi rực rỡ.

Chiều ngày 18/8/1945, đoàn biểu tình làng Lục Giáp kéo về Chùa Âm Linh tập trung bọn hào lý, bù nhìn bắt giao nộp triện, sổ sách, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn làng Lục Giáp và thành lập UBND cách mạng lâm thời làng Lục Giáp gồm đồng chí:

  1. Đồng chí Phan Huỳnh                       Chủ tịch
  2. Đồng chí Đỗ Lượng                           Phó Chủ tịch
  3. Đồng chí Phan Thanh                        Chủ nhiệm Việt Minh
  4. Đồng chí Nguyễn Quang Lộc            Ủy viên, Thư ký
  5. Đồng chí Đỗ Gia                               ỦY viên Tài chính
  6. Đồng chí Nguyễn Kiệm                     ỦY viên Quân sự
  7. Đồng chí Đỗ Nguyên                         Ủy viên Giáo dục
  8. Đồng chí Đỗ Trì                                Ủy viên Văn xã
  9. Đồng chí Nguyễn Vũ Phú                 Ủy viên Tư pháp

Hòa chung niềm vui của nhân dân cả nước, nhân dân làng Lục Giáp đã tổ chức trọng đại buổi lễ mừng chiến thắng trước sân chùa Âm Linh, mọi người hân hoan chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, chân dung Hồ Chủ Tịch, tập trung trước chùa để dự lễ. Từ chùa Âm Linh nhân dân kéo đi khắp nơi hô vang các khẩu hiệu: Đảng CS Việt Nam muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm, Nước Việt Nam độc lập muôn năm. Và hát những bài ca cách mạng: Tiếng quân ca, Diệt Phát xít và cũng tại chùa, nhân dân làm lễ tưởng niệm những oan hồn đã khuất vì đói đau, của những ngày đi lãnh chẩn đã bỏ xác tại đây.

Tháng 01/1946, hưởng ứng cuộc vận động chính trị tổng tuyển cử toàn quốc, nhân dân làng Lục Giáp từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, thành phần tín ngưỡng đều được bầu cử, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân làng Lục Giáp được đến chùa làng bỏ phiếu bầu cử quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong suốt thời kỳ trước cách mạng tháng Tám, Chùa Âm Linh là nơi thường xuyên tổ chức họp hội và triển khai các nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ lãnh đạo và thương binh, nhất là thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945.

Qua chín năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ, Chùa Âm Linh là chỗ dựa và là nơi ăn, chốn ở của cán bộ và lực lượng vũ trang và cũng nơi đây, bộ đội đặt sở chỉ huy phát lệnh pháo kích đồn địch, tại Trảng Nhật để chi viện cho chiến trường Vân Ly – Xuân Đài, Bồ Bồ, Hội An trong kháng chiến chống Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm 1954-1957, Chùa Âm Linh là nơi học tâp cương lĩnh của mặt trận tổ quốc và hội họp bàn kế hoạch đấu tranh Mỹ Ngụy đòi Hiệp thương tổng tuyển cử 20/7/1956 và cũng là nơi nuôi dấu bảo vệ thương binh trước khi đưa về trạm xá Điện Bàn.

Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Âm Linh đã diễn ra nhiều mốc son lịch sử quan trọng, nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip