Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36
Hôm qua : 74
Tháng 11 : 359
Tháng trước : 9
Năm 2024 : 368
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BẢO TÀNG ĐIỆN BÀN, ĐỊA CHỈ ĐỎ TRONG GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG THẾ HỆ TRẺ

Bảo tàng Điện Bàn là một trong những công trình văn hóa quy mô đầu tiên của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn sau ngày quê hương hoàn toàn thống nhất. Ngày 29 tháng 3 năm 1978, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện (nay là thị xã) cùng toàn thể cán bộ và nhân dân đã đặt viên gạch đầu tiên, khởi công xây dựng Công trình Bảo tàng Điện Bàn trên khu vực Hoàng Cung của Thành tỉnh La Qua. Sau 4 năm xây dựng, Bảo tàng Điện Bàn chính thức đưa vào sử dụng năm 1982.Bảo tàng Điện Bàn được xem là bảo tàng cấp thị xã được xây dựng sớm nhất của tỉnh cũng như cả nước với số lượng hiện nay lên đến hơn 1.000 hiện vật.

Trải qua cùng năm tháng, Bảo tàng bị xuống cấp, đến năm 2007, Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã có chủ trương vận động nhân dân đóng góp cùng với ngân sách thị xã để xây dựng, nâng cấp Bảo tàng. Công trình trùng tu tôn tạo bảo tàng Điện Bàn chính thức được khởi côngngày 12 tháng 9 năm 2010và được Thị ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thị xã khánh thành vào tối ngày 17/6/2013.

Bảo tàng Điện Bàn được tôn tạo, xây dựng khang trang trên tổng diện tích xây dựng là 1200m2 với tổng kinh phí gần 21 tỷ đồng, trong đó cán bộ và nhân dân trong và ngoài thị xã đã tự nguyện đóng góp hơn 2 tỷ đồng. Thiết kế bên trong của Bảo tàng bao gồm các mảng trưng bày là Phòng lịch sử - văn hóa và 5 phòng chuyên đề: Văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, phòng Tuồng truyền thống, Điện Bàn trên đường phát triển và phòng trưng bày bộ đèn dầu cổ có giá trị nhất Việt Nam với tổng hơn 1500 hiện vật.

Bước vào tiền sảnh là khu trưng bày tổng quát lịch sử hình thành của vùng đất “địa linh nhân kiệt” Điện Bàn, anh hùng trong chiến đấu, cần cù trong lao động và học tập. Đồng thời, vùng đất này còn là nơi sinh ra những người con anh hùng cho đất nước.

Bước qua tiền sảnh là khu vực trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh. Khu vực này trưng bày nhiều hiện vật độc đáo như những ngôi mộ chum có niên đại cách đây 2080 năm, đồ gốm, nhiều đồ trang sức độc đáo khác…

Tiếp đến là phòng trưng bày Văn hóa Chăm Pa với những hiện vật mang đậm màu sắc tôn giáo như: tượng thần Ganesa, bò thần, bộ Linga – Yoni… Đặc biệt, điểm nhấn là phần phù điêu bằng gốm mô tả hình dáng tháp Bằng An – một trong những ngọn tháp có kiến trúc hình bát giác độc đáo duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam.

Sau đó là phòng trưng bày lịch sử đấu tranh cách mạng, quá trình đấu tranh và phát triển của quân và dân Điện Bàn từ trước năm 1930 cho đến năm 1975. Thể hiện tinh thần đấu tranh anh dũng quật cường của nhân dân Điện Bàn trong hai cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc. Mỗi một hiện vật được trưng bày như gợi lại quá khứ hào hùng của vùng đất này. Bước ra từ quá khứ đó, người dân Điện Bàn ngày nay đã chung sức đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng hiện đại và giàu đẹp hơn.

Không chỉ cung cấp những tư liệu lịch sử quý báu, bảo tàng Điện Bàn còn có phòng trưng bày về Tuồng-một trong những môn nghệ thuật truyền thống của Quảng Nam. Đây là khu vực để mọi người tìm hiểu thêm về Tuồng thông qua các hiện vật như mặt nạ, các bản thể và biết thêm về ông Nguyễn Hiến Dĩnh – ông Tổ của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

Tại bảo tàng có không gian trưng bày bộ sưu tập đèn dầu cổ độc đáo do ông Lê Công Chiêm hiến tặngbao gồm 270 chiếc đèn cổ đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chất liệu, thuộc các thời đại khác nhau. Tất cả đã được tập hợp về đây từ khắp các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam và trên thế giới trong suốt 20 năm.Trong bão tàng còn có chiếc bàn bằng gỗ mít nguyên khối có tuổi đời trên 100 năm tuổi. Chiếc bàn này có khả năng tự xoay kỳ lạ khi có người đặt tay lên mặt bàn.Với hệ thống hiện vật phong phú, bảo tàng Điện Bàn đã và đang trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bảo tàng Điện Bàn toạ lạc trên vùng đất Thành tỉnh Quảng Nam xưa có ý nghĩa văn hóa, lịch sử rất lớn. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập hôm nay. Qua quá trình xây dựng và phát triển, Bảo tàng Điện Bàn đã trở thành tâm điểm trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của thị xã; Là địa điểm có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Điện Bàn cho thể hế trẻ, là nơi để giới thiệu về hình ảnh Điện Bàn đến các du khách xa gần, tạo tiền đề chiến lược trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Chính vì vậy, qua các giai đoạn, tuổi trẻ thị xã đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy giá trị của Bảo tàng, nhiều hoạt động của Tuổi trẻ được tổ chức tại Bảo tàng như: hội trại truyền thống, sinh hoạt truyền thống, lễ miting, lễ kết nạp Đoàn – Đội, các hoạt động tình nguyện, hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao,  các hoạt động tham gia tôn tạo, làm đẹp cảnh quan nhân các ngày lễ, tết…

Khi UBND thị xã mở cuộc vận động nâng cấp Bảo tàng Điện Bàn, cuộc vận động nhanh chóng được triển khai trong tổ chức Đoàn – Hội – Đội và được đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhi đồng tình ủng hộ. Thị đoàn đã phát động phong trào “Mỗi cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhiủng hộ 1 viên gạch xây dựng Bảo tàng Điện Bàn”, phong trào được đoàn viên, thanh thiếu niên học sinh hưởng ứng tích cực; Đoàn viên thanh niên của khối cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang đóng góp 2 ngày lương để góp trùng tu, tôn tạo Bảo tàng Điện Bàn. Kết quả, tuổi trẻ toàn thị xã đã đóng góp 198.300.000 đ, tổ chức 6 đợt hoạt động tình nguyện tham gia trùng tu, làm đẹp công trình.

Trong những năm qua, Bảo tàng Điện Bàn trở thành địa chỉ đỏ thường xuyên để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ. Thị đoàn – Hội LHTN – Hội đồng Đội thị xã Điện Bàn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động lớn tại bảo tàng nhằm góp phần bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng của quê hương để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ. Trong thời gian đến, tổ chức Đoàn – Hội – Đội trong thị xã sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tình nguyện làm đẹp bảo tàng, sưu tầm hiện vật có giá trị để bổ sung vào báo tàng,qua đó tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, làm cho bảo tàng Điện Bàn thực sự là địa chỉ đó của tuổi trẻ.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip